Kinh tế Ý

Bài chi tiết: Kinh tế Ý
Milano là trung tâm kinh doanh hàng đầu tại châu Âu và là một thủ đô thời trang của thế giới.

Ý có kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa, với quy mô lớn thứ ba trong khu vực đồng euro và lớn thứ tám thế giới vào năm 2015.[114] Quốc gia này là một thành viên sáng lập của G7, khu vực đồng euroOECD. Ý được nhìn nhận là một trong các quốc gia công nghiệp hoá hàng đầu thế giới, và là một quốc gia chủ đạo trong mậu dịch quốc tế.[115][116][117] Đây là một quốc gia phát triển cao độ, có chất lượng sinh hoạt cao thứ tám thế giới vào năm 2005[118] và đứng thứ 26 về chỉ số phát triển con người vào năm 2015.[119] Ý được biết đến với ngành kinh doanh sáng tạo và cải tiến,[120] lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn và cạnh tranh[121] (Ý là nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới năm 2011),[122] có ảnh hưởng và có chất lượng cao trong các ngành ô tô, máy móc, thực phẩm, thiết kế và thời trang.[123][124][125]

Một chiếc Fiat 500 của hãng ô tô hàng đầu thế giới FCA.[126] Ý duy trì một ngành công nghiệp ô tô quy mô lớn, và là nước xuất khẩu hàng hoá lớn thứ bảy thế giới.[127]

Ý là quốc gia sản xuất lớn thứ sáu thế giới,[128] với đặc điểm là có số lượng công ty đa quốc gia ít hơn so với các nền kinh tế khác có quy mô tương đương, và có lượng lớn các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ năng động, tập trung vào một số khu công nghiệp là xương sống của công nghiệp Ý. Khu vực chế tạo thường tập trung vào xuất khẩu thị trường ngách và các sản phẩm xa xỉ, một mặt nó kém năng lực cạnh tranh về số lượng, mặt khác do có sản phẩm chất lượng hơn nên Ý có năng lực hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á mới nổi khác vốn dựa vào chi phí lao động thấp.[129] Ý là nước xuất khẩu lớn thứ bảy thế giới vào năm 2016, các đối tác mậu dịch lớn nhất của Ý là các thành viên khác trong Liên minh châu Âu, chiếm hơn một nửa giao dịch. Các đối tác mậu dịch lớn nhất của Ý trong EU là Đức (12,9%), Pháp (11,4%) và Tây Ban Nha (7,4%) theo dữ liệu năm 2011.[130]. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Ý gồm ô tô (Fiat Group, Aprilia, Ducati, Piaggio), hoá chất, sản phẩm hoá dầu, hàng điện tử (Eni, Enel, Edison), hàng không và công nghệ quốc phòng (Alenia, Agusta, Finmeccanica), vũ khí (Beretta); nhưng các sản phẩm nổi tiếng nhất lại thuộc lĩnh vực thời trang (Armani, Valentino, Versace, Dolce & Gabbana, Benetton, Prada, Gucci, Luxottica), công nghiệp thực phẩm (Barilla Group, Martini & Rossi, Campari, Parmalat), xe hơi hạng sang (Ferrari, Maserati, Lamborghini, Pagani) và du thuyền (Ferretti, Azimut).

Ý là bộ phận của thị trường chung châu Âu, một thị trường có trên 500 triệu người tiêu dùng. Một vài chính sách thương mại nội địa được xác định theo các hiệp định giữa các thành viên Liên minh châu Âu và bởi cơ quan lập pháp Liên minh châu Âu. Ý cho lưu hành tiền tệ chung châu Âu là euro vào năm 2002.[131][132] Khu vực đồng euro có khoảng 330 triệu công dân, chính sách tiền tệ của nó được xác định bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Ý chịu tổn thất rất nặng từ khủng hoảng tài chính 2007–08 và sau đó là khủng hoảng nợ công châu Âu, làm trầm trọng thêm các vấn đề cấu trúc của quốc gia.[133] Thực tế, sau khi tăng trưởng GDP mạnh mẽ 5–6% mỗi năm từ thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970,[134] và một cuộc giảm tốc không ngừng trong thập niên 1980-90, quốc gia này gần như đình đốn trong thập niên 2000.[135][136] Diễn ra các nỗ lực chính trị nhằm khôi phục kinh tế bằng cách chi tiêu công ồ ạt, cuối cùng dẫn đến nợ công tăng vọt, ở mức trên 135% GDP vào năm 2014, xếp thứ hai trong Liên minh châu Âu chỉ sau Hy Lạp (với 174%).[137] Phần lớn nhất trong nợ công Ý thuộc về các chủ nợ người Ý, đây là một khác biệt lớn với Hy Lạp,[138] và mức nợ hộ gia đình thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD.[139]

Phân chia Nam-Bắc rộng thêm là một yếu tố chính của nhược điểm kinh tế-xã hội Ý.[140] Đáng chú ý là có khác biệt rất lớn về thu nhập theo thống kê giữa các vùng và đô thị miền bắc với miền nam.[141] Vùng giàu nhất là Lombardia đạt được mức GDP bình quân bằng 127% của toàn quốc, còn vùng nghèo nhất là Calabria chỉ đạt 61%[142] Tỷ lệ thất nghiệp của Ý (11,9%) cao hơn đôi chút so với mức trung bình của khu vực đồng euro (2015),[143] song mức trung bình của miền bắc là 7,9% và của miền nam là 20,2%.[144]

Nông nghiệp

Các cánh đồng nho và ô liu tại vùng Chianti. Ngành công nghiệp thực phẩm Ý có danh tiếng vì sản phẩm chất lượng cao và tính đa dạng.

Theo điều tra nông nghiệp toàn quốc, Ý có 1,5 triệu trang trại vào năm 2010 (giảm 32,4% từ năm 2000), trên diện tích 12,7 triệu ha (63% thuộc miền nam).[145] Đại đa số (99%) có quy mô gia đình và nhỏ, trung bình chỉ đạt kích thước 8 ha.[145] Trong tổng diện tích mặt đất sử dụng cho nông nghiệp (không tính lâm nghiệp), đồng ruộng lương thực có hạt chiếm 31%, vườn cây ô liu 8,2%, vườn nho 5,4%, vườn cây cam chanh 3,8%, ruộng củ cải đường 1,7%, và làm vườn nhà 2,4%. Phần còn lại chủ yếu dành cho đồng cỏ (25,9%) và lương thực chăn nuôi (11,6%).[145]

Ý là nước sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới,[146] và cũng đứng hàng đầu về dầu ô liu, các loại quả (táo, ô liu, nho, cam, chanh tây, lê, cà rốt, hạt phỉ, đào, anh đào, mận mơ, dâu đất và dương đào), và rau (đặc biệt là atisô và cà chua). Các loại rượu vang nổi tiếng nhất của Ý có lẽ là Chianti vùng Toscana và Barolo vùng Piemonte. Các loại rượu vang nổi tiếng khác là Barbaresco, Barbera d'Asti, Brunello di Montalcino, Frascati, Montepulciano d'Abruzzo, Morellino di Scansano, và các loại rượu vang sủi Franciacorta và Prosecco. Các hàng hoá chất lượng chuyên biệt của Ý, đặc biệt là các loại rượu vang đề cập ở trên và các loại pho mát khu vực, thường được bảo hộ dưới nhãn đảm bảo chất lượng DOC/DOP. Chứng nhận chỉ dẫn địa lý này được cho là quan trọng nhằm tránh lẫn lộn với các sản phẩm thế phẩm sản xuất hàng loạt có chất lượng thấp.

Hạ tầng

Năm 2004, lĩnh vực giao thông tại Ý đạt doanh thu khoảng 119,4 tỷ euro, sử dụng 935.700 lao động trong 153.700 doanh nghiệp. Về mạng lưới đường bộ quốc gia, vào năm 2002 có 668.721 km đường có thể sử dụng được tại Ý, trong đó có 6.487 km đường cao tốc, thuộc sở hữu nhà nước song do Atlantia điều hành riêng. Năm 2005, có khoảng 34.667.000 ô tô chở khách (590 xe trên 1.000 dân) và 4.015.000 xe chở hàng lưu thông trên mạng lưới đường bộ quốc gia.[147] Hạn chế tốc độ trong các đô thị thường là 50 km/h và ít phổ biến hơn là 30 km/h. Đường cao tốc đôi đầu tiên trên thế giới khánh thành tại Ý vào năm 1924, nối giữa Milano và Varese. Đến cuối thập niên 1930, trên 400 km đường cao tốc đã được xây dựng trên khắp nước Ý, liên kết các thành phố và thị trấn nông thôn. Hệ thống đường cao tốc (autostrade) của Ý có giới hạn tốc độ tiêu chuẩn là 130 km/h đối với ô tô. Các điều khoản pháp luật cho phép các nhà khai thác xác định giới hạn 150 km/h tại đoạn đường họ được nhượng quyền trên cơ sở tình nguyện nếu đáp ứng một số điều kiện.

Tàu cao tốc Frecciarossa 1000 của Đường sắt Nhà nước Ý (FS), có tốc độ tối đa là 400 km/h,[148] là tàu nhanh nhất tại Ý và châu Âu

Đến năm 2011, tổng chiều dài đường sắt Ý là 19.394 km, trong đó 18.071 km theo khổ tiêu chuẩn và 11.322 km được điện khí hoá. Các tuyến hoạt động tổng cộng dài 16.723 km.[149] Phần lớn mạng lưới đường sắt Ý nằm dưới quyền quản lý và điều hành của Đường sắt Nhà nước Ý (Ferrovie dello Stato Italiane), là công ty quốc doanh. Các cơ quan cấp khu vực khác hầu hết thuộc sở hữu của các thể chế công cộng như chính quyền vùng. Đường sắt tại Ý được chính phủ trợ cấp, nhận được 8,1 tỷ euro vào năm 2009.[150] Các công việc nhằm tăng tốc độ chạy thương mại của đường sắt đã bắt đầu vào năm 1967: Tuyến "siêu trực tiếp" Roma-Firenze" được xây dựng cho các đoàn tàu có tốc độ lên đến 230 km/h, giảm hành trình xuống dưới hai giờ. Đây là tuyến tàu cao tốc đầu tiên được xây dựng tại châu Âu, và bắt đầu hoạt động vào năm 1977. Ngày nay, có thể đi từ Roma đến Milano vòng vòng dưới ba tiếng (2h 55') bằng tàu cao tốc thế hệ mới Frecciarossa 1000. Ý có 11 cửa khẩu đường sắt vượt dãy Alpes nối sang các quốc gia láng giềng.

Ý có 2.400 km đường thuỷ có thể thông hành, thuộc các loại hình giao thông thương mại khác nhau, song hạn chế về tổng giá trị.[151] Tại các vùng Lombardia và Veneto của miền bắc, các tuyến phà hàng ngày hoạt động trên hồ Garda và hồ Como để liên kết các thị trấn và làng mạc hai bên hồ. Các thuỷ đạo tại Venezia, bao gồm kênh đào lớn, giữ vai trò là mạng lưới giao thông thiết yếu đối với cư dân và du khách. Năm 2004, Ý có khoảng 30 sân bay lớn (bao gồm hai trung tâm Malpensa tại Milano và Leonardo da Vinci tại Roma) và 43 cảng biển lớn (Genova là cảng lớn nhất của Ý và lớn thứ nhì tại Địa Trung Hải). Năm 2005, Ý duy trì một phi đội dân sự khoảng 389.000 đơn vị và một hạm đội 581 tàu.[147]

Ý cần nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu năng lượng của mình.[152][153][154] Quốc gia này tiêu thụ lượng năng lượng sơ cấp đạt 185 tấn dầu quy đổi vào năm 2010,[155] hầu hết đến từ các nhiên liệu hoá thạch. Trong số các nguồn được dùng nhiều nhất có dầu mỏ (chủ yếu cho giao thông), khí đốt tự nhiên (dùng để phát điện và sưởi ấm), than đá và các nguồn tái tạo. Năng lượng gió và mặt trời phát triển nhanh chóng do được khuyến khích mạnh. Năm 2014, Ý tiêu thụ 291.083 TWh (4.790 kWh/người) điện năng, mức tiêu thụ hộ gia đình là 1.057 kWh/người.[156] Ý là quốc gia nhập khẩu thuần điện năng: Nhập khẩu 46.747,5 GWh và xuất khẩu 3.031,1 GWh vào năm 2014. Tổng sản lượng vào năm 2014 là 279,8 TWh. Các nguồn năng lượng chính là khí đốt và thuỷ điện.[156] Ý không có năng lượng hạt nhân do bị cấm theo trưng cầu dân ý năm 1987. Tại Toscana đã xây dựng nhà máy địa nhiệt đầu tiên. Năm 2014, sản lượng địa nhiệt là 5,92 TWh. Toàn bộ các nhà máy địa nhiệt của Ý cho đến nay đều nằm tại Toscana.[156]

Ý không đầu tư đủ để duy trì hạ tầng cung cấp nước uống và cải thiện vệ sinh, trong khi thuế nước và vệ sinh thuộc hàng thấp nhất tại Liên minh châu Âu. Luật Galli được thông qua vào năm 1993 nhằm mục tiêu là nâng cao mức đầu tư và nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách hợp nhất các nhà cung cấp dịch vụ, khiến chúng có hiệu quả hơn và gia tăng mức thu hồi chi phí thông qua nguồn thu từ thuế. Bất chấp các cải cách này, mức đầu tư suy giảm và vẫn còn xa mới đủ.[157][158][159]

Khoa học

Theo chiều kim đồng hồ từ bên trái: Alessandro Volta là nhà phát minh pin điện và khám phá mêtan;[160]
Galileo Galilei được công nhận là ông tổ của khoa học, vật lý học và thiên văn học quan trắc hiện đại;[161]
Guglielmo Marconi là nhà phát minh truyền dẫn thông tin vô tuyến đường dài;[162]
Enrico Fermi là người tạo ra lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, Chicago Pile-1[163]

Qua nhiều thế kỷ, Ý bồi dưỡng một cộng đồng khoa học có nhiều khám phá lớn về vật lý học và các ngành khoa học khác. Vào thời Phục hưng, các nhà bác học Ý như Leonardo da Vinci (1452–1519), Michelangelo (1475–1564) và Leone Battista Alberti (1404–72) có các đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như sinh học, kiến trúc và kỹ thuật. Galileo Galilei (1564–1642) là một nhà vật lý học, toán học và thiên văn học, ông giữ vai trò lớn trong cách mạng khoa học. Thành tựu của ông gồm có cải tiến trọng yếu về kính thiên văn và hoạt động quan sát thiên văn sau đó, cùng chiến thắng chung cuộc của thuyết Kopernik trước thuyết địa tâm.

Các nhà thiên văn học khác như Giovanni Domenico Cassini (1625–1712) và Giovanni Schiaparelli (1835–1910) có nhiều khám phá quan trọng về hệ Mặt trời. Trong toán học, Joseph Louis Lagrange (tên khai sinh là Giuseppe Lodovico Lagrangia, 1736–1813) hoạt động tích cực trước khi rời Ý. Fibonacci (khoảng 1170–1250) và Gerolamo Cardano (1501–76) tạo ra các tiến bộ căn bản trong toán học. Luca Pacioli thiết lập kế toán cho thế giới. Nhà vật lý học Enrico Fermi (1901–54) lãnh đạo một nhóm tại Chicago để phát triển lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và cũng nổi tiếng vì nhiều đóng góp khác của ông cho vật lý học, như đồng phát triển thuyết lượng tử và là một trong các nhân vật chủ chốt trong việc tạo ra vũ khí hạt nhân. Ông cùng với Emilio G. Segrè (1905–89, khám phá các nguyên tố tecnetiastatin, và phản proton), Bruno Rossi (1905–93, tiên phong trong bức xạ vũ trụthiên văn học tia X) và một số nhà vật lý học Ý bị buộc phải rời khỏi Ý trong thập niên 1930 do các đạo luật phát xít chống người Do Thái.[164]

Các nhà vật lý học nổi bật khác: Amedeo Avogadro (nổi tiếng nhất vì đóng góp vào thuyết phân tử, cụ thể là định luật Avogadrohằng số Avogadro), Evangelista Torricelli (phát minh áp kế), Alessandro Volta (phát minh pin điện), Guglielmo Marconi (phát minh radio), Ettore Majorana (khám phá hạt Majorana), Carlo Rubbia (lãnh đạo nhóm khám phá các hạt W và Z tại CERN). Về sinh học, Francesco Redi là người đầu tiên thách thức thuyết tự sinh bằng việc chứng minh rằng giòi bắt nguồn từ trứng ruồi và ông miêu tả chi tiết 180 loài ký sinh, Marcello Malpighi thành lập giải phẫu vi mô, Lazzaro Spallanzani tiến hành nghiên cứu quan trọng về các chức năng thân thể, sinh sản động vật, và thuyết tế bào. Camillo Golgi khám phá bộ máy Golgi, mở đường cho việc thừa nhận học thuyết neuron, Rita Levi-Montalcini khám phá hệ số phát triển tế bào thần kinh. Về hoá học, Giulio Natta nhận giải Nobel cho công trình của bà về polyme cao. Giuseppe Occhialini khám phá phân rã pion hoặc pi-meson vào năm 1947. Ennio de Giorgi giải bài toán Bernstein về mặt cực tiểu, và bài toán thế kỷ XIX của Hilbert về quy tắc giải phương trình vi phân riêng phần elip.

Du lịch

Bờ biển Amalfi là một trong các địa điểm du lịch chính của Ý[165]

Ý tiếp đón 50,7 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2015, đứng thứ năm thế giới.[166] Tổng đóng góp của lữ hành và du lịch vào GDP (bao gồm các tác động lớn hơn về đầu tư, chuỗi cung cấp và thu nhập phát sinh) là 162,7 tỷ euro vào năm 2014 (10,1% GDP) và tạo ra 1.082.000 việc làm trực tiếp vào năm 2014 (4,8% tổng số công việc).[167]

Ý nổi tiếng với các tuyến du lịch văn hoá và môi trường, và sở hữu 53 di sản thế giới tính đến năm 2017, đứng thứ nhất toàn cầu.[168] Milano là thành phố được tham quan nhiều thứ sáu tại châu Âu và thứ 14 thế giới, đón tiếp bình quân 7,65 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2016; còn thủ đô Roma lần lượt xếp thứ 8 và 16, với 7,12 triệu lượt du khách quốc tế.[169] Ngoài ra, Venezia và Firenze cũng nằm trong 100 điểm đến hàng đầu thế giới.

Các cảnh quan được tham quan nhiều nhất tại Ý là Đấu trường La MãQuảng trường La Mã, Pompeii, Bảo tàng triển lãm Uffizi, Bảo tàng triển lãm Viện hàn lâm Firenze, Castel Sant'Angelo, Công viên Boboli, Venaria Reale, Bảo tàng Ai Cập Torino, Nhà triển lãm Borghese, Cung điện hoàng gia Caserta, Bảo tàng Cenacolo Vinciano, Villa d'Este, Cung điện Pitti, Các điểm khai quật tại Herculaneum, Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Napoli, Nhà thờ nhỏ Medici, Điểm khai quật và bảo tàng Ostia Antica, Grotta Azzurra (động màu lam), Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Venezia, Hồ Como và Nhà triển lãm mỹ thuật Brera.[170]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ý http://driving.ca/toyota/corolla/auto-news/news/th... http://www.enterprisecanadanetwork.ca/_uploads/res... http://www.isn.ethz.ch/php/collections/coll_gladio... http://www.isn.ethz.ch/php/documents/collection_gl... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F011196.php http://www.adnkronos.com/AKI/English/Religion/?id=... http://www.allempires.com/article/index.php?q=ital... http://www.antimafiaduemila.com/content/view/20052... http://www.art-and-archaeology.com/roman/painting.... http://www.bbc.com/news/world-europe-17433142